Trong số 13,18 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2023, thì ghế ngồi đạt 2,83 tỷ USD; nội thất phòng ngủ đạt 1,18 tỷ USD; nội thất phòng bếp 0,97 tỷ USD; nội thất văn phòng 0,254 tỷ USD… Đặc biệt, sản phẩm ghế nhồi đệm đang được coi là “nhân tố chính” cho ngành gỗ, khi giá trị xuất khẩu đạt tới gần 2 tỷ USD.
Trong khuôn khổ Hội chợ Xuất khẩu Đồ gỗ và Nội thất TP.HCM (Hawa Expo 2024), ngày 7/3/3034, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) phối hợp với Forest Trends tổ chức hội thảo “Nhân tố mới tạo đột phá trong chuyển đổi ngành gỗ việt Nam”.
MỸ LÀ THỊ TRƯỜNG LỚN NHẤT
Tại hội thảo, VIFOREST đã công bố Báo cáo toàn cảnh xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam năm 2023. Theo đó, năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam chỉ đạt 13,18 tỷ USD, giảm 15,9% so với 2022.
Về thị trường, năm 2023, Việt Nam xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang gần 170 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của ngành vào 5 thị trường chính, gồm: Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và EU đạt trên 11,74 tỷ USD, chiếm trên 89,13% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả ngành. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng sang các thị trường này giảm từ 12% đến 30% so với năm 2022.
“Mặc dù kim ngạch xuất khẩu vào hầu hết các thị trường giảm, kim ngạch từ thị trường Ấn Độ và Indonesia lại tăng mạnh. Năm 2023 kim ngạch xuất khẩu sang Ấn Độ đạt trên 122,02 triệu USD, tăng 292,1% so với 2022, kim ngạch từ Indonesia đạt gần 86,63 triệu USD, tăng 123,3% so với năm 2022”.
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam.
Mỹ là thị trường lớn nhất cho xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu năm 2023 đạt trên 7,1 tỷ USD, giảm 16,3 % so với năm 2022, chiếm 53,9% giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vào tất cả các thị trường. Năm 2023 Việt Nam xuất tổng số 6,38 tỷ USD các mặt hàng đồ gỗ (HS 9401 và HS 9403) vào thị trường Mỹ – chiếm 90% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vào thị trường này; 10% còn lại là nhóm gỗ và sản phẩm nguyên liệu khác thuộc nhóm HS 44.
Trung Quốc là thị trường lớn thứ hai, đạt trên 1,73 tỷ USD, giảm 20,4% so với năm 2022, chiếm 13,1% tổng kim ngạch xuất khẩu. Các mặt hàng xuất khẩu chính sang Trung Quốc chủ yếu thuộc nhóm gỗ và sản phẩm nguyên liệu gỗ (HS 44) với kim ngạch 1,68 tỷ USD, chiếm trên 97,2% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường này.
Đứng ở vị trí thứ ba là Nhật Bản, đạt trên 1,65 tỷ USD, giảm 12,5% so với năm 2022, chiếm 12,6% giá trị xuất khẩu. Nhóm mặt hàng chính Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản là gỗ và sản phẩm nguyên liệu gỗ (HS 44), kim ngạch 1,27 tỷ USD, chiếm tới 76,9% tổng kim ngạch xuất khẩu hỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam sang Nhật Bản.
Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn thứ tư của Việt Nam, chiếm 6,1% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ của cả nước. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này đạt 796,81 triệu USD, giảm 21,3% so với năm 2022.
EU là thị trường xuất khẩu quan trọng đứng thứ năm của ngành gỗ Việt Nam, đồng thời là thị trường có yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng cũng như nguồn gốc hợp pháp của gỗ. Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này đạt 455,52 triệu USD, giảm 29,5% so với năm 2022, chiếm 3,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành. Mặt hàng chính xuất khẩu sang EU thuộc về nhóm đồ gỗ (HS 9401 và HS 9403) đạt 356,32 triệu USD, chiếm 78,2% tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này.
GHẾ NHỒI ĐỆM SẼ LÀ “NHÂN TỐ CHÍNH” CHO NGÀNH GỖ TRONG NĂM 2024
Đồ gỗ nội thất, ghế ngồi, dăm gỗ, gỗ dán, viên nén là 5 trong số các mặt hàng có giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn trong năm 2023, đạt 11,91 tỷ USD, chiếm 90,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành.
Xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam trong năm 2023 đạt 5,29 tỷ USD, giảm 22,5% so với cùng kỳ năm 2022; chiếm tới 40,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành. Trong đó, bộ phận đồ gỗ (HS 9403.90) xuất khẩu 1,04 tỷ USD, giảm 28,6% so với năm 2022, chiếm tỷ trọng 19,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của nhóm mặt hàng đồ gỗ.
Đối với đồ gỗ nội thất phòng ngủ (HS 9403.50), Việt Nam xuất khẩu 1,18 tỷ USD trong năm 2023, giảm 18,7% so với năm 2022, chiếm 22,5% tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng đồ gỗ.
Đồ gỗ nội thất phòng bếp (HS 9403.40) có kim ngạch xuất khẩu 970,26 triệu USD trong năm 2023, giảm 8,2% so với năm 2022, chiếm 18,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng đồ gỗ. Ở nhóm nội thất văn phòng (HS 9403.30), kim ngạch đạt gần 254,27 triệu USD, giảm 28,6% so với năm 2022, chiếm 4,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của nhóm mặt hàng đồ gỗ.
“Riêng mặt hàng ghế nhồi đệm đem về kim ngạch xuất khẩu lên tới 1,87 tỷ USD trong năm 2023, chiếm 65,9% tổng kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng ghế ngồi. Trong khi hầu hết các sản phẩm đồ gỗ đều suy giảm kim ngạch xuất khẩu, thì xuất khẩu ghế nhồi đệm lại tăng 9,1% so với năm 2022. Ghế nhồi đêm được coi là một trong những nhân tố chính cho ngành gỗ trong những năm tới”.
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản.
Kim ngạch xuất khẩu ghế ngồi của Việt Nam trong năm 2023 đạt 2,83 tỷ USD, chiếm 21,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành. Trong đó: Ghế đã nhồi đệm (HS 9401.6100) đạt 1,87 tỷ USD, chiếm 65,9% tổng kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng ghế ngồi, tăng 9,1% so với năm 2022.
Ghế có tựa lưng (HS 9401.6910) đạt 9,5 triệu USD, chỉ chiếm 0,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng ghế ngồi, giảm 50,7% so với năm 2022. Ghế ngồi loại khác (HS 9401.6990) đạt 539,9 triệu USD, chiếm 19,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng ghế ngồi, giảm 32,1% so với năm 2022. Bộ phận ghế ngồi, loại khác (HS 9401.9099) đạt 401,51 triệu USD, chiếm 14,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng ghế ngồi, giảm 12,4% so với năm 2022.
Mặt hàng ván bóc xuất khẩu đạt gần 1,12 triệu m3 về lượng và 219,92 triệu USD về giá trị trong năm 2023, chiếm 1,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ. Giá trị xuất khẩu mặt hàng gỗ dán trong năm 2023 đang chiếm 6,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ, tăng 1,2% về lượng nhưng lại giảm 14,2% về giá trị so với năm 2022.
Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu gần 14,42 triệu tấn dăm, đạt 2,22 tỷ USD, giảm 8,8% về lượng và 20,4 về giá trị so với năm 2022, chiếm 16,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu dăm lớn nhất của Việt Nam, tiếp đến là thị trường Nhật Bản và đứng thứ 3 là thị trường Hàn Quốc.
Tổng lượng viên nén Việt Nam xuất khẩu trong năm 2023 đạt 4,67 triệu tấn, tương đương 679,59 triệu USD, giảm 4,3% về lượng và 13,7% về giá trị so với năm 2022, chiếm 5,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ. Sản phẩm viên nén của Việt Nam được xuất khẩu sang 22 quốc gia và vùng lãnh thổ trong năm 2023, nhưng hai thị trường xuất khẩu viên nén lớn nhất là Hàn Quốc và Nhật Bản.
Năm 2023, lượng và giá trị xuất khẩu viên nén sang hai quốc gia này chiếm 96,6% về lượng và 96% về giá trị xuất khẩu viên nén của Việt Nam. Ngoài ra, EU là thị trường xuất khẩu viên nén đứng thứ ba của Việt Nam trong năm 2023, với lượng đạt 155,11 nghìn tấn, ứng với 25,91 triệu USD, chiếm 3,3% về lượng và 3,8% về giá trị viên nén Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường.
Theo: Chu Khôi – https://vneconomy.vn/xuat-khau-ghe-ngoi-nam-2023-dat-gan-3-ty-usd-cao-nhat-trong-cac-san-pham-cua-nganh-go.htm