Sau khi cắt giảm chiều dài, dự án đường cao tốc Quy Nhơn – Pleiku cần khoảng 37.600 tỉ đồng, giảm 6.500 tỉ so với phương án cũ.
Mới đây, Sở Giao thông vận tải tỉnh Gia Lai có báo cáo hoàn chỉnh và dự thảo văn bản lấy ý kiến tỉnh Bình Định về các nội dung nghiên cứu phương án đầu tư đường cao tốc Quy Nhơn – Pleiku.
Trước đó, tỉnh Gia Lai được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và UBND tỉnh Bình Định thống nhất giao chủ trì rà soát kết quả nghiên cứu để đầu tư dự án theo phương thức đối tác công tư, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể, sau khi tính toán, tuyến đường này có quy mô đầu tư hoàn chỉnh 4 làn xe, bề rộng nền 24,75m, bố trí làn dừng khẩn cấp liên tục.
Để giảm tổng mức đầu tư, cơ quan này đề xuất không bố trí làn dừng khẩn cấp trên cầu và xác định lại điểm cuối tuyến tại TP Pleiku, ở điểm giao với đường Hồ Chí Minh (quốc lộ 14) để giảm chiều dài tuyến 8,1km. Phần này sẽ đưa vào dự án cao tốc Pleiku – Lệ Thanh giai đoạn sau 2030.
Theo phương án này, chiều dài toàn tuyến sẽ giảm còn 143,2km, trong đó đoạn qua Bình Định dài 57,6km, qua Gia Lai 85,6km. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 37.600 tỉ đồng, giảm 6.500 tỉ đồng so với mức đầu tư 44.200 tỉ đồng theo phương án trước.
Hiện tỉnh Gia Lai đang lấy ý kiến tỉnh Bình Định và chuẩn bị làm việc với các cơ quan liên quan để hoàn thiện hồ sơ triển khai các bước tiếp theo.
Trước đó, tại buổi làm việc với đoàn công tác Chính phủ tháng 3/2024, lãnh đạo tỉnh Gia Lai đề nghị Chính phủ và các bộ ngành ủng hộ sớm triển khai dự án đường bộ cao tốc Quy Nhơn – Pleiku.
Theo chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, tuyến đường cao tốc Quy Nhơn – Pleiku sẽ tạo động lực phát triển thu hút dòng vốn đầu tư vào vùng Tây Nguyên. Tuyến đường này không chỉ phục vụ riêng cho Gia Lai mà còn kéo theo cả vùng Bắc Tây Nguyên và khu vực tam giác Việt Nam – Lào – Campuchia.
Còn theo UBND tỉnh Bình Định, tuyến cao tốc Quy Nhơn – Pleikuthúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, góp phần quan trọng thúc đẩy liên kết vùng.
Hiện nay để kết nối Quy Nhơn với Pleiku chủ yếu thông qua quốc lộ 19. Tuy nhiên, tuyến quốc lộ này có nhiều điểm hiện đã xuống cấp, lưu lượng giao thông quá tải.
Do đó, nếu được chấp thuận đầu tư, dự án cao tốc Quy Nhơn – Pleiku sẽ có đóng góp quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội không chỉ của ba địa phương dự án đi qua mà cả khu vực Tây Nguyên và duyên hải miền Trung.
Nếu được chấp thuận đầu tư, cao tốc Quy Nhơn – Pleiku sẽ là tuyến cao tốc thứ 2 nối khu vực Tây Nguyên với các tỉnh duyên hải miền Trung. Hiện nay, tuyến cao tốc duy nhất nối hai khu vực này là Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột đã được khởi công từ tháng 6/2023 và dự kiến hoàn thành vào năm 2025.
Nguồn: Tiểu Bảo – https://cafef.vn/moi-nhat-ve-viec-dau-tu-cao-toc-pleiku-quy-nhon-188240408080627437.chn