Mặt hàng này của Việt Nam rất được ưa chuộng tại thị trường Mỹ và nhiều quốc gia trên thế giới.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 3/2024, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 1,12 tỷ USD, tăng 46,3% so với tháng 2.
Tính trong trong 3 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của nước ta đạt hơn 3,5 tỷ USD, tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), ngành gỗ có sự khởi đầu thuận lợi trong những tháng đầu năm 2024, với việc gia tăng các đơn hàng. Điều này đã mở ra tín hiệu tích cực, đồng thời mang tới kỳ vọng cho ngành gỗ của nước ta trong năm 2024. Mặt khác, nhu cầu về gỗ, các sản phẩm gỗ tại những thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, Canada, Anh… đang có dấu hiệu phục hồi, từ đó mang lại sự lạc quan cho ngành gỗ của Việt Nam.
Sức hút của gỗ Việt tại nhiều thị trường trên thế giới
Tại hội chợ quốc tế được tổ chức tại tỉnh Bình Định vào tháng 3 vừa qua, đại diện Bộ Công Thương cho biết, chế biến và xuất khẩu các sản phẩm gỗ đang trở thành ngành kinh tế quan trọng và chủ lực của Việt Nam. Cụ thể, ngành gỗ Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu trung bình hơn 10 tỷ USD, đưa nước ta trở thành quốc gia xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn thứ 5 trên thế giới, thứ hai tại châu Á và đứng đầu tại khu vực Đông Nam Á. Hiện nay, có tới hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ đặt hàng đồ gỗ của Việt Nam.
Trong cơ cấu thị trường xuất khẩu, Mỹ luôn được coi là thị trường lớn nhất đối với sản phẩm gỗ của Việt Nam. Theo đó, chỉ tính riêng hai tháng đầu năm 2024, trị giá xuất khẩu sang Mỹ đã chiếm 53,2% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, đạt 1,2 tỷ USD, tăng 51,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 3 tháng đầu năm 2024, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Mỹ đã chiếm tới gần 1,9 tỷ USD.
Hiện nay, dù tình hình xuất khẩu gỗ sang Mỹ có nhiều tín hiệu lạc quan, nhưng việc phụ thuộc quá lớn vào thị trường này có thể làm tăng rủi ro cho ngành gỗ xuất khẩu của Việt Nam. Do đó, theo Cục Xuất nhập khẩu, việc đa dạng hóa về thị trường xuất khẩu sẽ giúp giảm thiểu về rủi ro, đồng thời tăng tính bền vững của ngành gỗ.
Trên thực tế, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) mới đây cho hay đã nhận được thông tin về việc Bộ Thương mại Mỹ (DOC) tiến hành gia hạn điều tra lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đối với tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam.
Theo DOC, những quy định về nguồn gốc gỗ nguyên liệu tại Mỹ đang ngày càng chặt chẽ hơn. Trong khi đó, DOC cũng đang tiến hành sửa đổi và bổ sung 22 nội dung có liên quan tới một số quy định trong điều tra về chống bán phá giá và trợ cấp.
Trong năm 2024, ngành gỗ của nước ta đặt mục tiêu xuất khẩu ước đạt 17,5 tỷ USD. Như vậy, trung bình mỗi quý cần bán gần 4,4 tỷ USD ra các thị trường nước ngoài. Thị trường Mỹ vẫn còn nhiều tiềm năng, đặc biệt là mảng nội thất tại những chung cư, công trình dự án du lịch. Ngoài ra, các thị trường chính khác như Trung Quốc, Canada, Anh… cũng tăng cường nhập khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam.
Theo các chuyên gia, mặc dù tín hiệu trong đầu năm 2024 là khá lạc quan, nhưng theo Cục Xuất nhập khẩu nhận định, các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ của Việt Nam đang đứng trước những khó khăn mới. Bởi nếu căng thẳng Biển Đỏ vẫn tiếp diễn thì giá cước vận chuyển hàng hóa sẽ tăng cao.
Hơn nữa, ngành gỗ của nước ta còn phải đối mặt với áp lực gia tăng từ sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường cùng với nhiều rủi ro liên quan tới gian lận thương mại, làm giả về thông tin sản phẩm. Mặt khác, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các đối tác quốc tế về truy xuất nguồn gốc gỗ, sản xuất bền vững, giảm phát thải carbon, các doanh nghiệp cũng phải thay đổi và tích cực hơn trong quá trình sản xuất.
Nguồn: Minh Hằng – https://cafef.vn/chi-3-thang-dau-2024-mot-mat-hang-cua-viet-nam-duoc-tren-140-quoc-gia-dat-hang-thu-ve-hon-35-ty-usd-188240419155513875.chn