2 ông trùm dầu mỏ đến từ Trung Đông và Đông Nam Á đều đang đua nhau đưa dầu thô đến Việt Nam.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu dầu thô về Việt Nam trong tháng 3 đạt hơn 1,09 triệu tấn với trị giá hơn 655 triệu USD, tăng 21,7% về lượng và tăng 20,7% về trị giá so với tháng 2/2024. Lũy kế trong quý 1/2024, nước ta nhập khẩu hơn 3,3 triệu tấn dầu thô với trị giá hơn 2,03 tỷ USD, tăng 23,6% về lượng và tăng 20,2% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Giá nhập khẩu bình quân đạt 607 USD/tấn trong quý 1, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước.
Xét về thị trường, Kuwait tiếp tục là nhà cung cấp dầu thô lớn nhất của Việt Nam với hơn 3 triệu tấn, kim ngạch đạt hơn 1,7 tỷ USD, tăng 38% về lượng và tăng 30% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Giá nhập khẩu đạt 597 USD/tấn, giảm 2% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, một quốc gia Đông Nam Á bất ngờ đưa dầu thô đến Việt Nam trong quý 1/2024 là Brunei. Cụ thể Brunei đã xuất sang Việt Nam 82.021 tấn dầu thô với trị giá hơn 55 triệu USD, trong khi trước đó trong năm 2023 và 2022 đều không ghi nhận nhập khẩu từ thị trường này.
Brunei, tên chính thức là Nhà nước Brunei Darussalam, rộng 5.765 km2, nằm hoàn toàn trên hòn đảo Borneo – đảo lớn nhất châu Á, có đường bờ biển giáp với biển Đông và được bao quanh bởi bang Sarawak của Malaysia.
Đây là quốc gia có diện tích lớn hơn Singapore nhưng nhỏ hơn tất cả quốc gia khác ở Đông Nam Á. Dù chỉ nhỏ thứ hai khu vực, diện tích của Brunei vẫn gấp 8 lần Singapore, tuy nhiên chỉ bằng 1/57 so với diện tích Việt Nam.
Đáng chú ý, đây cũng là quốc gia có trữ lượng dầu thô đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Brunei sản xuất khoảng 127.000 thùng dầu/ngày và tương đương 243.000 thùng khí đốt/ngày – phần lớn trong số đó được xuất khẩu. Đây là con số tương đối nhỏ so với các quốc gia khác, nhưng lại là mức khai thác lớn khi so sánh với dân số. Chính phủ Brunei kỳ vọng sẽ nâng sản lượng dầu lên 350.000 thùng/ngày vào năm 2025, phần lớn đến từ dầu khai thác vùng nước sâu.
Đối với Kuwait, theo OPEC, quốc gia này có trữ lượng dầu đã được chứng minh là 101,5 tỷ thùng. Quốc gia vùng Vịnh nhỏ bé này sản xuất từ 2,4 triệu đến 2,67 triệu thùng dầu mỗi ngày và xuất khẩu khoảng 1,7 triệu thùng/ngày.
Trong năm 2024, OPEC giữ nguyên dự báo về tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu. Trong báo cáo thị trường dầu mỏ được công bố ngày 13/12/2023, OPEC dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ tăng 2,25 triệu thùng/ngày trong năm 2024, giảm đáng kể so với mức tăng dự báo 2,46 triệu thùng/ngày trong năm 2023.
Đối với Việt Nam, nước ta vẫn phải nhập dầu thô nhằm đáp ứng đủ đầu vào cho 2 nhà máy lọc dầu trong nước, gồm Dung Quất và Nghi Sơn. 80% dầu thô phục vụ cho 2 nhà máy này đến từ nguồn nhập khẩu, còn xăng dầu thành phẩm vẫn cần nhập thêm khoảng 30% mới đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước. Hoạt động nhập khẩu dầu thô và xăng dầu cũng chịu sự tác động mạnh khi thế giới biến động do mức phụ thuộc là rất lớn.
Nguồn: Như Quỳnh – https://cafef.vn/quoc-gia-co-dien-tich-nho-hon-viet-nam-57-lan-bat-ngo-dua-dau-tho-den-nuoc-ta-tru-luong-dung-dau-dong-nam-a-kim-ngach-can-moc-2-ty-usd-188240427064422091.chn