Hàng hóa từ hai ứng dụng Temu và Shein đang lấp đầy các chuyến bay với tốc độ nhanh chóng, đẩy giá cước vận chuyển lên cao.
Theo báo cáo của Wall Street Journal (WSJ), Temu và Shein, hai ứng dụng mua sắm giá rẻ đang tái định hình thị trường vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không từ Trung Quốc. Hiện tại, hàng hóa từ hai ứng dụng này chiếm phần lớn không gian trên các máy bay, khiến giá cước vận chuyển tăng vọt và làm dấy lên lo ngại về khả năng giảm công suất trong mùa cao điểm vận chuyển vào cuối năm nay.
Khối lượng hàng hóa từ các trung tâm sản xuất phía Nam Trung Quốc đang gia tăng nhanh chóng, tạo ra sự cạnh tranh gay gắt về không gian chứa hàng trên máy bay. Giá vận tải hàng không trong khu vực này đã tăng khoảng 40% vào tháng 6 so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù đây thường là mùa thấp điểm trước khi hoạt động kinh doanh tăng mạnh vào dịp lễ cuối năm.
Niall van de Wouw, giám đốc vận tải hàng không tại công ty dữ liệu vận tải Xeneta cho biết: “Nếu bạn là người gửi hàng và không làm việc chặt chẽ với người giao nhận để sắp xếp việc vận chuyển trong thời gian này, bạn có thể sẽ gặp nhiều khó khăn.”
Theo các chuyên gia trong ngành, sự gia tăng này chủ yếu là do sự phát triển nhanh chóng của Temu và Shei. Hai công ty thương mại điện tử mới nổi của Trung Quốc hiện đã trở thành những gã khổng lồ trong lĩnh vực bán lẻ trực tuyến. Van de Wouw nhận xét: “Sự bùng nổ của thương mại điện tử tại Trung Quốc đã thay đổi hoàn toàn thị trường vận tải hàng không trong một khoảng thời gian rất ngắn”.
Tim Scharwath, giám đốc điều hành của DHL Global Forwarding cũng chia sẻ, các công ty TMĐT Trung Quốc đã phát triển vượt bậc trong vòng chưa đầy hai năm, đến mức họ chiếm hơn 30% không gian vận chuyển hàng hóa trên một số tuyến đường xuất phát từ châu Á.
Thông thường, vận tải hàng không chủ yếu được sử dụng để vận chuyển các mặt hàng nhỏ, giá trị cao như điện thoại thông minh, máy tính xách tay và các mặt hàng dễ hỏng như cá và hoa. Tuy nhiên, Temu và Shein đang làm thay đổi tình hình bằng cách lấp đầy không gian này với các sản phẩm giá rẻ như quần áo và đồ gia dụng, được vận chuyển đến người tiêu dùng ở Châu Âu và Bắc Mỹ.
Theo cơ quan quản lý sân bay, xuất khẩu từ Sân bay Quốc tế Hồng Kông đã tăng đáng kể, đạt mức tăng hai con số trong 5 tháng đầu năm 2024 và tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 5. Nhu cầu tăng cao đang đẩy giá cước vận tải hàng không lên mức kỷ lục. Theo Xeneta, tỷ giá giao ngay trung bình vào cuối tháng 6 để vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không từ Nam Trung Quốc đến Mỹ đã đạt 5,27 USD/kg, cao hơn gấp đôi so với mức năm 2019.
Các nhà giao nhận vận tải, những người trung gian quản lý phần lớn các chuyến hàng trên các tuyến xuyên Thái Bình Dương cảnh báo rằng sự cạnh tranh về chỗ trống trên máy bay chở hàng vào cuối năm nay sẽ rất khốc liệt khi các nhà bán lẻ ồ ạt nhập hàng chuẩn bị cho mùa nghỉ lễ.
DHL Global Forwarding đang khuyến nghị các nhà bán lẻ và nhà sản xuất nên ký kết hợp đồng vận chuyển ngay từ bây giờ, mặc dù giá cước hiện tại đang cao hơn mức bình thường, nhằm đảm bảo có chỗ trống trên máy bay cho giai đoạn sau. Scharwath nhấn mạnh: “Nếu đến tháng 10 bạn mới liên hệ với chúng tôi để yêu cầu tăng thêm công suất, rất có thể chúng tôi sẽ không thể đáp ứng yêu cầu của bạn.”
Sự bùng nổ của thương mại điện tử quốc tế đang là động lực chính đằng sau sự gia tăng mạnh mẽ của ngành vận tải hàng hóa bằng đường hàng không trong năm nay.
Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế, trong bốn tháng đầu năm nay, nhu cầu vận tải hàng không toàn cầu đã tăng 12,7%, vượt qua mức tăng công suất 10,3% được ghi nhận trong cùng kỳ. Đặc biệt, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ với nhu cầu tăng 14% trong tháng 4, gần gấp đôi so với mức tăng công suất 7,8%.
WorldACD, một công ty dữ liệu ngành vận tải hàng không có trụ sở tại Hà Lan có báo cáo vào ngày 13/6, rằng các cuộc tấn công của phiến quân Houthi ở Yemen vào các tàu thương mại ở Biển Đỏ đã gây ra sự chuyển hướng và chậm trễ trong vận chuyển đường biển. Điều này cũng thúc đẩy nhiều nhà xuất khẩu chuyển sang sử dụng vận tải hàng không để đảm bảo tiến độ giao hàng.
Công ty cho biết, tình trạng gián đoạn đã trở nên nghiêm trọng hơn trong những tuần gần đây do tắc nghẽn tại các cảng và thiếu hụt sức chứa tàu ở một số thị trường trọng điểm. Và nhiều chủ hàng chuyển sang sử dụng dịch vụ vận tải hàng không.
Temu và Shein đã trở nên nổi tiếng tại Mỹ vào năm ngoái, nhờ vào mức giá cực kỳ cạnh tranh cho các sản phẩm được vận chuyển trực tiếp từ các nhà máy ở Trung Quốc. Mô hình kinh doanh này giúp các công ty tránh phải trả thuế theo quy định của Mỹ, cho phép các lô hàng có giá trị dưới 800 USD được nhập khẩu mà không phải đối mặt với một số loại thuế nhất định.
Amazon đang chuẩn bị triển khai một dịch vụ tương tự từ Trung Quốc vào mùa thu này. Nếu như vậy rất có thể sẽ làm tăng cường độ cạnh tranh trong lĩnh vực vận tải hàng không.
Đại diện của Temu cho biết công ty sử dụng cả vận tải đường biển và đường hàng không để giao hàng. “Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là đảm bảo rằng khách hàng nhận được đơn hàng nhanh chóng và với chi phí hiệu quả nhất.”
Vào cuối năm 2023, Temu và Shein đã tạo ra một sự tăng đột biến về khối lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không từ Trung Quốc. Trong khi suốt phần lớn thời gian của năm, nhu cầu cho vận chuyển nhanh vẫn ở mức thấp. Sự bùng nổ này đã gây ra cuộc cạnh tranh gay gắt về không gian trên các chuyến bay, đẩy giá cước trên các tuyến đường từ Trung Quốc đến Mỹ và châu Âu tăng khoảng 50% so với năm trước.
Yngve Ruud, phó chủ tịch điều hành về logistics hàng không của Kuehne Nagel International, một công ty vận tải hàng đầu có trụ sở tại Thụy Sĩ nhận xét: “Năm 2022, sự hiện diện của Temu và Shein chưa đáng kể. Tuy nhiên, đến cuối năm 2023, họ đã vươn lên trở thành hai trong số những nhà vận tải hàng không lớn nhất thế giới”.
Nguồn: https://antt.nguoiduatin.vn/temu-shein-2-the-luc-lam-chao-dao-thi-truong-van-tai-hang-khong-toan-cau-205241807090008867.htm
Nguồn: https://als.com.vn/2-the-luc-lam-chao-dao-thi-truong-van-tai-hang-khong-toan-cau