Các doanh nghiệp trong ngành hàng không đang ghi nhận mức lợi nhuận tăng cao nhờ vào điều kiện kinh doanh thuận lợi. Sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường du lịch cùng với sự gia tăng về vận tải hàng hóa đường hàng không đã tạo ra những động lực mới cho ngành này.
Phục hồi và mở rộng
Theo báo cáo mới nhất của Cục Hàng không Việt Nam, trong nửa đầu năm 2024, có 63 hãng hàng không quốc tế, trong đó có 4 hãng Việt Nam gồm: Vietravel Airlines, Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Vietjet Air đang khai thác gần 160 đường bay quốc tế kết nối Việt Nam với các quốc gia trên toàn cầu.
Các tuyến bay quốc tế đã khôi phục trở lại mức tương tự trước đại dịch COVID-19 và đang tiếp tục mở rộng đến những thị trường mới như Trung Á, Ấn Độ, Australia…
Ngành du lịch đang sôi động hơn khi đón nhận lượng lớn du khách quốc tế, đặc biệt là từ châu Âu. Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch thế giới khi thu hút gần 10 triệu du khách quốc tế trong 7 tháng đầu năm 2024. Tăng 51% so với cùng kỳ năm trước và tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2019 – thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Đáng chú ý, lượng du khách từ châu Âu tăng 47,3%, nhờ vào các chính sách visa thông thoáng và các hoạt động quảng bá du lịch mạnh mẽ của các địa phương trên khắp cả nước.
Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) dự báo, tổng số lượng hành khách của các hãng hàng không sẽ tăng gấp đôi trong hai thập kỷ tới, từ con số 4,3 tỷ lượt người vào năm ngoái. Sự tăng trưởng này chủ yếu đến từ các thị trường mới nổi như khu vực châu Á – Thái Bình Dương và Trung Đông.
Theo báo cáo cập nhật của IATA, lượng hành khách dự kiến sẽ tăng trung bình 3,6% mỗi năm cho đến năm 2043. Trong đó riêng năm nay dự báo mức tăng trưởng đạt 9,7%.
Khu vực châu Á – Thái Bình Dương dự kiến dẫn đầu với mức tăng trưởng trung bình 4,8%, được thúc đẩy chính bởi sự phát triển khả quan tại các quốc gia như Ấn Độ (6,9%), Trung Quốc (5,8%), Thái Lan và Việt Nam (cả hai nước đều tăng 6,4%).
Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI) nhận định rằng năm 2024 sẽ là giai đoạn cuối cùng trong quá trình phục hồi của ngành hàng không. Lợi nhuận của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này sẽ được cải thiện nhờ vào sự tăng trưởng của lượng khách quốc tế, chi phí nhiên liệu giảm và tình trạng dư thừa nguồn cung được kiểm soát.
Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Kirin Capital cho rằng, Sân bay Long Thành sẽ là động lực quan trọng về cơ sở hạ tầng, thúc đẩy ngành hàng không Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn.
Theo Kirin Capital, cảng hàng không quốc tế Long Thành là một dự án hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia với tổng vốn đầu tư lên đến khoảng 336.000 tỷ đồng. Việc khởi công xây dựng sân bay Long Thành thể hiện sự quyết tâm mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước trong việc thúc đẩy ngành hàng không Việt Nam phát triển.
Từ năm 2015, sân bay Tân Sơn Nhất (Tp. Hồ Chí Minh) bắt đầu có dấu hiệu quá tải, Quốc hội Việt Nam đã thông qua nghị quyết về việc xây dựng và đầu tư vào sân bay quốc tế Long Thành. Theo định hướng, khi đi vào hoạt động, sân bay Long Thành sẽ phục vụ đến 80% chuyến bay quốc tế, trong khi các chuyến bay nội địa chỉ chiếm 20%.
Sân bay Long Thành được thiết kế để xử lý 1,2 triệu tấn hàng hóa vào năm 2026, và con số này dự kiến sẽ tăng lên 5 triệu tấn sau khi hoàn thành giai đoạn 3. Sau khi đi vào hoạt động, sân bay Long Thành sẽ giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất. Và đồng thời cũng đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa ngày càng gia tăng.
Mặc dù chi phí vận tải hàng hóa bằng đường hàng không cao hơn từ 10-20 lần so với các phương thức vận chuyển khác, nhưng tốc độ nhanh chóng của nó là lý do chính khiến phương thức này vẫn được ưa chuộng.
Ngoài yếu tố tốc độ, việc lựa chọn vận tải hàng không còn bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như giá trị hàng hóa, yêu cầu đặc biệt và mức độ uy tín về giao hàng đúng hẹn. Đáng chú ý, mặc dù vận tải hàng không phát triển mạnh mẽ trong những năm qua, chi phí lại có xu hướng giảm nhờ vào sự đầu tư gia tăng từ các hãng hàng không lớn trên thế giới vào thị trường tiềm năng này.
Sự gia tăng truy cập internet và các cửa hàng trực tuyến đang tạo điều kiện thuận lợi cho ngành thương mại điện tử phát triển. Mối liên kết giữa thương mại điện tử và vận tải hàng không được thúc đẩy bởi sự gia tăng phổ biến của mua sắm trực tuyến và chi phí vận chuyển hàng hóa trực tuyến giảm.
Thương mại điện tử đang ngày càng được tích hợp vào các kênh bán lẻ truyền thống, với các tên tuổi lớn như Amazon và Walmart đang mở rộng bán các sản phẩm vận chuyển hàng không trực tiếp đến tay người tiêu dùng.
Sự tích hợp này giúp người tiêu dùng dễ dàng mua các sản phẩm vận chuyển bằng đường hàng không và nhận chúng trong thời gian ngắn hơn.
Trong nước, thị trường thương mại điện tử cũng đã chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ sau hơn 10 năm phát triển.
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Việt Nam, thương mại điện tử đã duy trì tốc độ tăng trưởng kép trên 20% mỗi năm trong suốt 10 năm qua, chiếm đến 8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên cả nước.
Không chỉ trên phạm vi toàn cầu, mà ngay tại Việt Nam, vận tải hàng hóa bằng đường hàng không cũng đang thu hút sự quan tâm đáng kể từ các doanh nghiệp lớn trong nước.
Động lực chính khiến các nhà vận tải hàng hóa chú ý đến phương thức này là nhờ sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử trong nước. Theo đánh giá của Công ty Nghiên cứu thị trường eMarketer (Hoa Kỳ), Việt Nam nằm trong nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử nhanh nhất thế giới. Điều này khiến ngành vận tải hàng hóa bằng đường hàng không trở thành “chìa khóa” không chỉ giúp thị trường thương mại điện tử trong nước phát triển, mà còn mở rộng tầm ảnh hưởng ra toàn khu vực Đông Nam Á, theo nhận định của Kirin Capital.
Doanh nghiệp ghi nhận sự chuyển biến lợi nhuận
Với điều kiện kinh doanh thuận lợi, nhiều doanh nghiệp hàng không cho biết có lợi nhuận lớn đã. Thậm chí, một số doanh nghiệp từng lỗ nặng trong quý II năm trước đã ghi nhận sự chuyển biến tích cực khi đảo chiều thành lợi nhuận lớn trong quý II năm 2024.
Báo cáo tài chính hợp nhất nửa đầu năm 2024 của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (mã chứng khoán: ACV) cho thấy doanh thu thuần đạt 11.178 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023.
Lợi nhuận sau thuế trong nửa đầu năm đạt mức kỷ lục 6.150 tỷ đồng, tăng mạnh 45% và hoàn thành 81% mục tiêu lợi nhuận cả năm. Biên lợi nhuận lên tới 63%, minh chứng cho khả năng sinh lời vượt trội của doanh nghiệp.
ACV giải thích rằng lợi nhuận kỷ lục trong quý II chủ yếu nhờ sự phục hồi của thị trường hàng không quốc tế. Theo thống kê, lưu lượng hành khách qua các cảng hàng không do ACV quản lý đạt 54,7 triệu lượt. Con số này tương đương 48% kế hoạch năm 2024 và giảm 3,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, khách quốc tế đạt trên 20 triệu lượt, tăng 38,5% và gần như hồi phục hoàn toàn so với mức trước dịch COVID-19; khách nội địa đạt 34,4 triệu lượt, giảm 18,5% do các hãng hàng không Việt Nam gặp khó khăn về đội tàu bay, dẫn đến việc phải điều chỉnh giảm cung ứng trên các đường bay nội địa.
Hiện tại, ACV đang chịu trách nhiệm quản lý, đầu tư và khai thác 22 cảng hàng không trên toàn quốc, bao gồm 9 cảng quốc tế và 13 cảng nội địa.
Mặc dù sở hữu quy mô lớn, ACV hiện vẫn chỉ niêm yết trên sàn UPCOM. Tại phiên giao dịch ngày 8/8, cổ phiếu ACV đạt mức giá 103.000 đồng, tăng hơn 56% so với thời điểm cuối năm 2023.
Công ty cổ phần Hàng không VietJet (Vietjet – mã VJC) trong 6 tháng đầu năm 2024 đã vận chuyển 13,1 triệu hành khách và thực hiện 70.154 chuyến bay, con số này thậm chí còn vượt cả năm 2019. Đáng chú ý, Vietjet đã chuyên chở hơn 5,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng trưởng 52%.
Về kết quả kinh doanh hợp nhất, Vietjet báo cáo doanh thu trên 34.000 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái, và lợi nhuận đạt 1.117 tỷ đồng, cao gấp 8 lần so với năm 2023.
Vietjet lý giải rằng, sự tăng trưởng đột phá này một phần quan trọng là nhờ vào việc mở rộng mạnh mẽ mạng lưới các chuyến bay quốc tế tầm trung trong thời gian qua.
Nguồn: https://bnews.vn/dong-luc-tu-van-tai-hang-hoa-hang-khong/343294.html
Nguồn: 𝐀𝐋𝐒 – 𝐓𝐡𝐞 𝐋𝐞𝐚𝐝𝐢𝐧𝐠 𝐨𝐟 𝐀𝐯𝐢𝐚𝐭𝐢𝐨𝐧 𝐋𝐨𝐠𝐢𝐬𝐭𝐢𝐜𝐬 – https://als.com.vn/dong-luc-tu-van-tai-hang-hoa-hang-khong