ASEAN là điểm đến FDI lớn thứ hai thế giới sau Hoa Kỳ (ở mức 311 tỷ USD) và đứng trước Trung Quốc (ở mức 163 tỷ USD). Về lâu dài, dòng vốn FDI của ASEAN dự kiến sẽ tăng mạnh lên khoảng 370 tỷ USD vào năm 2030.
“Việt Nam nổi bật với vị thế là một cửa ngõ vào ASEAN ”, chia sẻ đáng chú ý của ông Victor Ngo – Tổng giám đốc Ngân hàng UOB Việt Nam – tại Hội nghị khu vực thường niên “Gateway to ASEAN” năm 2024 vừa qua.
Theo ông, Việt Nam có vị trí chiến lược, dân số đông và trẻ, cùng các chính sách thân thiện với doanh nghiệp làm cho Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp muốn khai thác tiềm năng tăng trưởng của ASEAN. Đặc biệt, môi trường thuận lợi mở ra thêm nhiều cơ hội cho sự phát triển của Việt Nam, cùng với đó là việc đa dạng hóa các quan hệ đối tác thương mại giữa các khu vực với việc tăng cường các FTA sẽ thúc đẩy nhu cầu thương mại, cũng như cung cấp khả năng phục hồi trước các yếu tố kinh tế bên ngoài.
Trong nửa đầu năm 2024, Việt Nam đã chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ. Tăng trưởng GDP trong quý 2 tăng lên mức 6,9% so với cùng kỳ năm ngoái, và tăng so với mức 5,8% trong quý 1/2024.
Tăng trưởng kinh tế nói chung được hỗ trợ bởi hoạt động sản xuất mạnh mẽ cũng như sự phục hồi của lĩnh vực thương mại. Trong đó, lĩnh vực sản xuất tăng trưởng 10% so với cùng kỳ năm trước trong quý 2/2024. Ngành dịch vụ cũng tăng trưởng 7,1%, sự phục hồi ở cả hai khu vực này đều quan trọng vì tổng thể chúng chiếm ba phần tư GDP của Việt Nam.
Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ sự tăng trưởng mạnh mẽ về thương mại và FDI trên khắp ASEAN
Về lâu dài, tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam được hỗ trợ bởi các xu hướng nhân khẩu học và kinh tế vĩ mô tích cực trong dài hạn. Điều này đã giúp Việt Nam trở thành ngôi sao kinh tế đang lên của ASEAN. Cụ thể:
+ Về nhân khẩu học, Việt Nam có tầng lớp trung lưu đang phát triển mạnh mẽ và có dân số lớn thứ ba trong ASEAN với khoảng 100 triệu người. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam trong những năm tới để khuyến khích chi tiêu tiêu dùng nhiều hơn khi dân số tiếp tục tăng và trở nên giàu có hơn.
+ Về xu hướng kinh tế vĩ mô, Việt Nam đang dần chuyển đổi thành công từ nền kinh tế sản xuất chi phí thấp sang nền kinh tế theo hướng công nghệ có giá trị gia tăng cao hơn cũng như tập trung mạnh vào ngành dịch vụ, bán lẻ và du lịch. Dựa vào những yếu tố nền tảng mạnh mẽ dài hạn này, tỷ trọng kinh tế của Việt Nam trong tổng GDP của ASEAN đã tăng mạnh và tăng gần gấp đôi từ dưới 6% vào năm 2000 lên khoảng 12% hiện nay.
Do đó, UOB nhấn mạnh Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ sự tăng trưởng mạnh mẽ về thương mại và FDI trên khắp ASEAN. Dự báo ASEAN đang chuẩn bị ghi nhận thêm một năm nữa về dòng vốn FDI kỷ lục, sau mức 226 tỷ USD đạt được vào năm 2023, phục hồi mạnh mẽ từ mức thấp 120 tỷ USD trong năm Covid-19 là 2020. Nhìn chung, ASEAN là điểm đến FDI lớn thứ hai thế giới sau Hoa Kỳ (ở mức 311 tỷ USD) và đứng trước Trung Quốc (ở mức 163 tỷ USD). Về lâu dài, dòng vốn FDI của ASEAN dự kiến sẽ tăng mạnh lên khoảng 370 tỷ USD vào năm 2030.
Việt Nam đã và đang trở thành điểm đến ưa thích của các tập đoà n lớn toàn cầu
Với những luận điểm trên, Việt Nam đã và đang trở thành điểm đến ưa thích của các tập đoàn. Ông Wee Ee Cheong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Ngân hàng UOB Singapore, cho rằng Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ở Đông Nam Á với tiềm năng đầy hứa hẹn từ các yếu tố vĩ mô thuận lợi như dân số trẻ, lao động lành nghề và tài nguyên thiên nhiên dồi dào.
Mặt khác, Việt Nam được hưởng lợi từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu và các hiệp định thương mại tự do; đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đã tăng mạnh, đạt mức kỷ lục trong thời gian qua. Việt Nam cũng là thị trường sản xuất thiết bị điện tử quan trọng của thế giới.
Thực tế, Việt Nam nhiều năm trở lại đây đã trở thành “đại bản doanh” của loạt ông lớn sản xuất trên thế giới như SMC, Samsung, Apple, IBM, Sisco của Foxconn, Compal, Quanta… Ở mảng tiêu dùng, ngày càng nhiều thương hiệu đổ bộ Việt Nam như Apple Store, Michelin Guide, %Arabica, Lush, Pop Mart hay mới nhất là thương hiệu Nisshin Seifun Welna (Nhật Bản) gia nhập thị trường hàng tiêu dùng Việt Nam.
Gia nhập thị trường những tưởng không còn “đất diễn”, nơi loạt thương hiệu nội ngoại lớn đang khai thác như Masan, Ace Cook, Nissan…, đại diện nhà sản xuất sốt mỳ ý lớn nhất Nhật Bản cho biết – trong nền kinh tế tăng trưởng, nhu cầu người dân ngày càng tăng và không có lý do gì để Nisshin Seifun Welna không tận dụng tối đa năng lực sản xuất của hai công ty con tại Việt Nam . “Chúng tôi quyết định thâm nhập thị trường hàng tiêu dùng Việt Nam với chiến lược toàn diện vì thấy rõ nhu cầu về thực phẩm chế biến sẵn đề cao tính tiện lợi thông qua tỷ lệ các hộ gia đình có hai nguồn thu nhập cao và thường xuyên nấu ăn tại nhà”, vị này nói.
Nhìn chung, hoạt động ngoại thương Việt Nam được dự báo vẫn duy trì tốc độ phục hồi mạnh mẽ và đà tăng trong doanh số ngành bán dẫn kể từ giữa năm 2023 có khả năng sẽ tiếp tục trong 6 tháng cuối năm 2024.
Nguồn: Tri Túc – https://cafef.vn/duoc-vi-nhu-cua-ngo-don-dong-von-fdi-ky-luc-226-ty-usd-chay-vao-asean-viet-nam-dang-la-diem-den-ua-thich-cua-cac-tap-doan-lon-toan-cau-18824090813440611.chn