• 0903 877 338
  • |
  • 028 3535 8062
  • |
  • tmvn23@gmail.com
  • |
  • T2-T7: 8:00 - 17:00
  • 860/60A Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 25, quận Bình Thạnh

Không xanh hoá nhanh, doanh nghiệp logistics sẽ bị loại khỏi sân chơi toàn cầu

Không xanh hoá nhanh, doanh nghiệp logistics sẽ bị loại khỏi sân chơi toàn cầu

Nếu các doanh nghiệp không nhanh chóng triển khai các biện pháp xanh hóa logistics, họ sẽ đối mặt với khó khăn lớn và có thể bị gạt ra khỏi sân chơi toàn cầu trong tương lai ngắn.

Vận hành kho hàng cho các doanh nghiệp. Ảnh minh hoạ.

Các doanh nghiệp logistics Việt Nam đang từng bước thực hiện các biện pháp xanh hóa trong hoạt động của mình. Không chỉ thay đổi phương thức vận tải để cắt giảm chi phí, nhiều đơn vị còn chuyển sang sử dụng phương tiện vận tải thân thiện với môi trường và lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời tại kho bãi nhằm hạn chế tối đa lượng khí thải gây ô nhiễm.

Rất nhiều rào cản khi thực hiện xanh hóa

Bộ Công Thương cho biết, mặc dù một số doanh nghiệp đã bắt đầu thực hiện chuyển đổi xanh nhưng số lượng này vẫn còn quá ít so với hàng chục nghìn doanh nghiệp logistics trên toàn quốc. Nguyên nhân chính là do quá trình áp dụng logistics xanh gặp nhiều khó khăn. Điền hình là các rào cản về kỹ thuật và công nghệ, chi phí đầu tư cao, hạ tầng logistics chưa phát triển đồng bộ, cùng với sự hạn chế về nhận thức từ chính các doanh nghiệp.

Ngoài ra, nhận thức của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa về yêu cầu xanh hóa logistics vẫn còn rất thấp. Họ còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ, trong khi việc áp dụng công nghệ thông tin để tối ưu hóa chuỗi cung ứng lại đòi hỏi nguồn lực và công nghệ tiên tiến, điều mà không phải doanh nghiệp nào cũng có khả năng đầu tư.

Trongbuổi tọa đàm “Thích ứng logistics xanh – Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp” diễn ra vào ngày 9/9 vừa ra., TS Trần Thị Thu Hương, Trưởng bộ môn logistics và chuỗi cung ứng tại Trường Đại học Thương mại nhận định, Việt Nam hiện có hơn 34.000 doanh nghiệp logistics. Tuy nhiên, phần lớn trong số đó chỉ đóng vai trò phụ trợ, tham gia một phần nhỏ trong chuỗi logistics toàn cầu.

Theo bà Hương, thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp khi chuyển đổi sang mô hình logistics xanh đến từ áp lực thị trường. Giai đoạn đầu của quá trình xanh hóa yêu cầu các doanh nghiệp phải đầu tư mạnh tay, điều này đặt ra gánh nặng chi phí lớn, đặc biệt đối với những doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đối mặt với bài toán chi phí này, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc đưa ra quyết định đầu tư để hướng tới sự phát triển bền vững.

Ngoài ra, bà cũng cho rằng cơ sở hạ tầng tại Việt Nam dù đã có những bước tiến nhưng vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu xanh hóa. Việc chuyển từ hình thức vận tải đường bộ sang những phương thức có mức phát thải thấp hơn như đường sắt hay đường thủy nội địa vẫn gặp nhiều trở ngại và chưa được thực hiện một cách đồng bộ.

Dưới góc nhìn từ doanh nghiệp, ông Mai Trần Thuật, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Logistics dược phẩm Đông Á, cũng chia sẻ quan điểm rằng thách thức lớn nhất khi thực hiện logistics xanh là chi phí đầu tư cho công nghệ. Việc xanh hóa bao bì, sử dụng năng lượng tái tạo tại các kho bãi để giảm lượng khí nhà kính và rác thải ra môi trường đòi hỏi nguồn lực tài chính đáng kể, trong khi doanh nghiệp lại hạn chế về vốn.

“Hiện tại, chúng tôi đang vận hành một kho chứa khoảng 10.000 pallet và phải trả tới 200 triệu đồng tiền điện mỗi tháng. Không chỉ là vấn đề chi phí, lượng điện tiêu thụ này còn thải ra môi trường một lượng khí độc đáng kể. Vì vậy, nếu chuyển sang sử dụng điện mặt trời áp mái, chúng tôi sẽ giảm được chi phí vận hành và giảm phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, vấn đề lớn là chi phí đầu tư ban đầu khá cao,” ông Thuật cho biết.

Ông cũng nhấn mạnh thêm rằng hiện doanh nghiệp chưa được phép mua bán điện mặt trời dư thừa, điều này khiến kế hoạch đầu tư gặp khó khăn. Về mặt vận tải, các xe tải lạnh hiện đang sử dụng nhiên liệu chiếm từ 35-45% tổng chi phí, đồng thời thải ra lượng lớn khí carbon. Mặc dù doanh nghiệp muốn chuyển sang sử dụng xe tải điện, nhưng thị trường Việt Nam hiện vẫn chưa có nhà cung cấp nào đáp ứng nhu cầu này.

Sẽ có chiến lược xanh riêng cho dịch vụ Logistics 

Để thúc đẩy ngành logistics phát triển theo hướng xanh hóa, đáp ứng được các yêu cầu về môi trường từ khách hàng và phù hợp với chính sách xanh hóa của Nhà nước, ông Mai Trần Thuật nhấn mạnh cần phải tháo gỡ bài toán đầu tư và hoàn thiện chính sách vĩ mô. Những ưu đãi về thuế, hỗ trợ tài chính từ phía Nhà nước sẽ là nền tảng quan trọng để doanh nghiệp logistics có thể chuyển đổi thành công.

Bên cạnh đó, việc kết nối các doanh nghiệp có mong muốn thực sự trong việc đầu tư vào logistics xanh cũng là điều cần thiết. Chính sách kêu gọi đầu tư vào các dự án xanh cần được xây dựng từ sớm. Chẳng hạn như phát triển các khu công nghiệp sử dụng năng lượng sạch, áp dụng điện mặt trời áp mái và đầu tư vào phương tiện vận tải bằng điện.

Một yếu tố không thể thiếu khác là việc đào tạo nhận thức nội bộ trong mỗi doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần hiểu rõ ý nghĩa của việc xanh hóa để từ đó định hình chiến lược kinh doanh bền vững và phù hợp với xu hướng phát triển của thị trường.

Bà Hương nhấn mạnh rằng quá trình xanh hóa logistics cần bắt đầu từ ban lãnh đạo doanh nghiệp. Khi người đứng đầu có nhận thức rõ ràng về tầm quan trọng của chuyển đổi xanh và có tầm nhìn chiến lược trong việc phát triển doanh nghiệp theo hướng bền vững, họ sẽ điều chỉnh các chính sách nội bộ và dành nguồn lực đầu tư phù hợp cho các hoạt động xanh hóa, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường ngày càng ưu tiên yếu tố xanh.

Ở góc độ quản lý, bà Đặng Hồng Nhung, đại diện Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, hiện các chính sách ưu đãi của Chính phủ đang tập trung vào việc hỗ trợ doanh nghiệp logistics chuyển đổi phương tiện. Điều này có nghĩa là Chính phủ khuyến khích các doanh nghiệp chuyển sang sử dụng các phương tiện vận tải có lượng phát thải thấp, ưu tiên các loại xe chạy bằng điện.

Cụ thể, một trong những chính sách nổi bật của Chính phủ là miễn lệ phí trước bạ trong ba năm đầu tiên đối với xe tải điện sử dụng pin và giảm 50% lệ phí trước bạ trong hai năm tiếp theo, nhằm khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi sang phương tiện vận tải thân thiện với môi trường.

Ngoài ra, về việc hỗ trợ doanh nghiệp tiết kiệm điện năng, Bộ Công Thương cũng đã triển khai nhiều dự án nhằm giúp đỡ các doanh nghiệp. Đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong việc giảm tiêu thụ năng lượng trong quá trình chuyển đổi xanh.

Hiện tại, Bộ Công Thương đang soạn thảo “Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam” cho giai đoạn 2025-2035, tầm nhìn đến năm 2045. Trong bản dự thảo, phát triển logistics xanh được coi là một trong những ưu tiên hàng đầu.

Theo bà Nhung, sau khi dự thảo được phê duyệt, Bộ sẽ tiến hành xây dựng chiến lược phát triển xanh riêng biệt cho ngành dịch vụ logistics. Chiến lược này sẽ tập trung vào việc tối ưu hóa sử dụng điện năng, đồng thời thúc đẩy chuyển đổi sang các phương thức vận tải thân thiện với môi trường nhằm tận dụng tối đa các giải pháp vận tải bền vững và giảm thiểu tác động đến môi trường.

Source: https://vneconomy.vn/khong-xanh-hoa-nhanh-doanh-nghiep-logistics-se-bi-loai-khoi-san-choi-toan-cau.htm 

𝐀𝐋𝐒 – 𝐓𝐡𝐞 𝐋𝐞𝐚𝐝𝐢𝐧𝐠 𝐨𝐟 𝐀𝐯𝐢𝐚𝐭𝐢𝐨𝐧 𝐋𝐨𝐠𝐢𝐬𝐭𝐢𝐜𝐬  – https://als.com.vn/khong-xanh-hoa-nhanh-doanh-nghiep-logistics-se-bi-loai-khoi-san-choi-toan-cau

Viện dưỡng lão TPHCM Máy đóng gói bao bì tự động
028 3535 8062 0903 877 338 @DucGangHP