Thép sẽ tiếp tục giai đoạn phục hồi
Số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy, tổng tiêu thụ thép các loại trong 9 tháng vừa qua tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2023. Cũng theo VSA, tổng tiêu thụ thép xây dựng 9 tháng qua tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó tiêu thụ nội địa đạt trên 7,1 triệu tấn, tăng 11,1%.
|
Cần tăng cường phối hợp với các hiệp hội, doanh nghiệp trong ngành thép để tận dụng cơ hội tại thị trường nội địa. Ảnh: Thép Hoà Phát |
Đơn cử, từ giữa tháng 9 tới nay, các thương hiệu nhiều lần điều chỉnh giá thép, trong đó thép thanh vằn Hòa Phát tăng đến 460.000 đồng một tấn. Cụ thể, thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 cùng nhích thêm 100.000 đồng lên lần lượt 13,58 và 13,79 triệu đồng một tấn. Riêng thép thanh vằn đã có lần thứ ba tăng giá liên tiếp từ giữa tháng 9 tới nay với biên độ 460.000 đồng một tấn.
Các thương hiệu khác như Việt Ý, Việt Đức, Việt Sing, Kyoei Việt Nam, VJS… cũng thay đổi giá từ đầu tháng. Tùy loại sẽ tăng thêm 100.000-170.000 đồng sau mỗi lần điều chỉnh, có loại tăng liên tục hai lần chỉ trong tuần trước.
Như vậy, sau các đợt tăng giá gần đây, thép xây dựng đang được bán quanh 13,5-14 triệu đồng một tấn. Mặt bằng giá này đang trở lại ngang với cuối tháng 7, đầu tháng 8, trước khi diễn ra đợt giảm khá mạnh xuyên suốt sau đó.
Dữ liệu từ nền tảng cung cấp giải pháp tài chính FinSuccess cho thấy các thương hiệu chiếm thị phần lớn trong ngành đều ghi nhận sự phục hồi về tiêu thụ. Sản lượng thép bán ra trong 8 tháng của Hòa Phát đạt hơn 1,05 triệu tấn, tăng trên 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, kênh nội địa tăng gần 22,5% và xuất khẩu tăng gần 54%.
Thép Nam Kim (NKG) có lượng tiêu thụ hơn 621.400 tấn, tăng hơn 26%. Còn Tôn Đông Á (GDA) đạt hơn 588.300 tấn, tăng hơn 16%.
Đáng chú ý, xuất khẩu sắt thép đang có tín hiệu tích cực, với dự kiến mức tiêu thụ thép tăng 6,4%, đạt gần 21,6 triệu tấn. Bên cạnh đó, xuất khẩu thép thành phẩm và bán thành phẩm sẽ tăng 12%, lên gần 13 triệu tấn trong năm nay.
Trong báo cáo triển vọng ngành thép vừa cập nhật, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) kỳ vọng các doanh nghiệp thép Việt Nam sẽ tiếp tục ghi nhận tăng trưởng tích cực về sản lượng bán hàng nội địa trong năm 2024, đặc biệt trong giai đoạn nửa cuối năm. Trong đó, nhu cầu từ hoạt động xây dựng hạ tầng sau giai đoạn thu hồi đất và giải phóng mặt bằng, các dự án hạ tầng trọng điểm như: cao tốc Bắc – Nam, đường vành đai… sẽ cần tiêu thụ thép xây dựng, qua đó là yếu tố hỗ trợ cho thị trường nội địa trong 2024. Tuy nhiên, thị trường bất động sản vẫn sẽ đóng góp tỷ trọng cao nhất trong sản lượng bán hàng nội địa của các công ty sản xuất thép.
Những trợ lực cho ngành thép trong những tháng còn lại năm 2024
Theo thông lệ, thị trường dịp quý IV hàng năm thường sẽ phục hồi cả về giá và nhu cầu nhưng với diễn biến khó lường hiện nay, công tác nhận định thị trường sẽ gặp nhiều bất lợi, gây ảnh hưởng cho công tác chuẩn bị kế hoạch điều hành sản xuất tại các doanh nghiệp thép.
Trong khi đó, các nhà sản xuất thép Trung Quốc tiếp tục tăng cường xuất khẩu sẽ gia tăng áp lực lên thị trường thép thế giới và khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, đồng nghĩa với cuộc chiến cạnh tranh về giá thép thành phẩm tại thị trường nội địa sẽ ngày càng khốc liệt hơn.
Mặt khác, thị trường bất động sản và xây dựng dân dụng chưa có sự phục hồi rõ nét, khiến thị trường thép nội địa các tháng cuối năm sẽ đối diện với nhiều khó khăn, thách thức hơn là thuận lợi.
Ông Nguyễn Đức Dũng – Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) nhận định, sang quý IV, nhu cầu tăng theo mùa tại Trung Quốc cùng với những tín hiệu tích cực từ yếu tố vĩ mô khi các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới chuyển sang hạ lãi suất, giá sắt thép có thể trải qua những nhịp điều chỉnh tăng trở lại. Sự phục hồi của ngành thép trong năm nay chủ yếu vẫn xuất phát từ sự so sánh với mức nền thấp của năm ngoái.
Liên quan đến vấn đề này ông Phạm Công Thảo, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam cho hay, dự báo của Hiệp hội Thép Thế giới, nhu cầu thép thành phẩm năm 2024 tăng trưởng 1,9% so với năm 2023, trong đó nhu cầu tiêu thụ thép của khu vực châu Âu tăng trưởng 5,7% (đây cũng là một trong những thị trường xuất khẩu thép lớn nhất của Việt Nam), khu vực 5 nước ASEAN tăng trưởng 5,2%.
Còn tại Việt Nam, theo đánh giá của Hiệp hội Thép Việt Nam, ngành thép có khả năng phục hồi yếu trong năm 2024 do các khó khăn trên thị trường bất động sản vẫn còn hiện hữu (lĩnh vực sử dụng thép lớn nhất tại Việt Nam), lượng tiêu thụ thép được dự báo sẽ tăng 7% lên 21,7 triệu tấn, sản lượng có thể đạt gần 29 triệu tấn, tăng 7% so với năm 2023.
Bên cạnh đó, để phục vụ phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần có các định hướng chính sách để bước đầu làm chủ công nghệ sản xuất các loại thép chế biến chế tạo cơ bản, từng bước thúc đẩy phát triển các mác thép đặc biệt và hợp kim có chất lượng cao phục vụ nhu cầu của ngành cơ khí, chế biến chế tạo trong nước và hướng tới xuất khẩu.
Về phía Tổng công ty Thép Việt Nam tiếp tục thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 27/8/2024 về việc kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường trong nước thông qua các nhiệm vụ và giải pháp về tập trung đổi mới quản trị, nâng cao sức cạnh tranh, tiết giảm chi phí, hạ giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm.
Lãnh đạo Tổng Công ty cũng chỉ đạo các doanh nghiệp thành viên phối hợp tăng cường sử dụng nguyên liệu, sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất trong nước (đặc biệt là các nguyên liệu, sản phẩm mà trong hệ thống Tổng công ty đã sản xuất được).
Cùng với đó, xây dựng kế hoạch sản xuất-kinh doanh hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm, tập trung khai thác tối đa khu vực thị trường trong nước, đồng thời, các đơn vị trong toàn hệ thống tiếp tục tăng cường, đẩy mạnh công tác phối hợp trong chuỗi cung ứng và tiêu thụ để phát huy sức mạnh hệ thống tối đa, phấn đấu hoàn thành tốt nhất các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất-kinh doanh năm 2024.
Để hỗ trợ cho ngành thép hồi phục và phát triển, các chuyên gia kinh tế đề xuất, Bộ Công Thương cần tiếp tục nghiên cứu, áp dụng phù hợp các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ thị trường thép trong nước. Cùng với đó, cần tăng cường phối hợp với các hiệp hội, doanh nghiệp trong ngành thép để tận dụng cơ hội tại thị trường nội địa từ việc giải ngân vốn đầu tư công đối với các công trình giao thông, xây dựng lớn. Từ đó, thúc đẩy nguồn cung sản xuất trong nước, tạo sự tăng trưởng đột phá, phát triển sản xuất thép, vật liệu xây dựng và cơ khí…
Nguồn: Duy Anh – https://congthuong.vn/lo-dien-yeu-to-ho-tro-thi-truong-thep-trong-nhung-thang-cuoi-nam-352620.html