Triển vọng này đang gây sức ép lên Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và cản trở những đợt tăng giá do căng thẳng tại Trung Đông.
Sau khi sản lượng dầu của Mỹ chạm mức thấp nhất trong 62 năm vào năm 2008, S&P ước tính vào cuối năm ngoái, nền kinh tế lớn nhất thế giới đã sản xuất lượng dầu nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trong lịch sử. Đáng chú ý, sản lượng dầu của Mỹ dường như không có dấu hiệu giảm sút.
Theo ước tính mới nhất từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, sản lượng dầu thô ở Mỹ có thể đã quay trở lại mức kỷ lục 13,3 triệu thùng/ngày trong tuần kết thúc vào ngày 12/1. Giám đốc điều hành tập đoàn năng lượng Chevron (Mỹ) Michael Wirth dự báo Mỹ có thể phá kỷ lục về sản lượng vào năm 2024, với 13,5 triệu thùng/ngày trong năm nay hoặc thậm chí nhiều hơn thế.
Chiến lược gia năng lượng Walt Chancellor tại công ty tài chính Macquarie dự báo sản lượng dầu thô của Mỹ sẽ kết thúc năm 2024 ở mức 14 triệu thùng/ngày sau khi giảm nhẹ trong mùa Đông và phục hồi trong nửa cuối năm.
Tuần trước, phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sỹ, ông Daniel Yergin, Phó Chủ tịch của S&P Global, cho rằng Canada và Mỹ đã bổ sung thêm 1,5 triệu thùng dầu cho thị trường thế giới.
Trong khi đó, chuyên gia an ninh năng lượng Adi Imsirovic, tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược nhận định dầu ngọt nhẹ New York (WTI) đang ngày càng thay thế dầu Brent để trở thành loại dầu chuẩn hàng đầu thế giới.
Giá dầu đã phải vật lộn để tạo bứt phá bất chấp căng thẳng tại Biển Đỏ và cam kết cắt giảm sản lượng 2,2 triệu thùng dầu mỗi ngày của OPEC trong quý này.
Giá dầu WTI đã giảm gần 5% kể từ cuối tháng Mười Một. Trong khi đó, giá dầu Brent kỳ hạn dường như không thể vượt qua mức 80 USD/thùng bất chấp căng thẳng tại Biển Đỏ.
Theo Bank of America căng thẳng ở Trung Đông chưa thực sự nâng giá dầu và tình trạng không có biến động giá đáng kể phần lớn là do sản lượng của Mỹ tăng mạnh.
Nguồn: Trà My (Theo CNBC) – https://bnews.vn/s-p-san-luong-dau-cua-my-co-the-lap-ky-luc-moi-trong-nam-nay/322122.html