Chốt phiên giao dịch ngày 15/05/2024, dầu bật tăng 1% do dự trữ dầu thô Mỹ giảm, lạm phát thấp, kỳ vọng Fed cắt giảm lãi suất vào tháng 9. Vàng cao nhất 1 tháng do lạm phát Mỹ hạ nhiệt. Đồng cao nhất 2 năm do triển vọng nhu cầu tăng. Đậu tương, lúa mì, ngô, cà phê trượt dốc. Cao su Nhật Bản cao nhất 1 tháng do lo ngại về nguồn cung.
Dầu bật tăng 1% do dự trữ dầu thô Mỹ giảm, lạm phát thấp
Giá dầu bật tăng gần 1% khỏi mức thấp nhất 2 tháng trong phiên trước đó khi thị trường cân bằng giữa tồn trữ dầu thô sụt giảm và kinh tế tăng trưởng của Mỹ với dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) về tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu yếu hơn.
Giá dầu Brent giao sau tăng 37 cent, tương đương 0,5%, chốt ở 82,75 USD/thùng, trong khi dầu thô West Texas Intermediate (WTI) của Mỹ tăng 61 cent, tương đương 0,8%, kết thúc ở mức 78,63 USD.
Dự trữ dầu thô của Mỹ tuần trước đã giảm 2,5 triệu thùng, Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) cho biết, giảm mạnh hơn so với dự báo giảm 500.000 thùng trong một cuộc thăm dò của Reuters.
Giá tiêu dùng của Mỹ tăng ít hơn dự kiến trong tháng 4, cho thấy lạm phát đã tiếp tục xu hướng giảm vào đầu quý II, điều này sẽ thúc đẩy kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9. Lãi suất thấp hơn sẽ làm giảm chi phí đi vay cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng và có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nhu cầu về dầu.
Với việc Fed dự kiến sẽ cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay, USD giảm xuống mức thấp nhất trong năm tuần so với rổ các loại tiền tệ khác. Đồng USD yếu hơn có thể thúc đẩy nhu cầu khi mặt hàng định giá bằng đồng bạc xanh trở nên rẻ hơn khi mua bằng các loại tiền tệ khác.
Vàng cao nhất 1 tháng do lạm phát Mỹ hạ nhiệt
Vàng đã leo lên gần mức cao nhất trong 1 tháng, do đồng đô la yếu hơn và lợi suất trái phiếu kho bạc thấp hơn sau khi dữ liệu cho thấy giá tiêu dùng của Mỹ tăng ít hơn dự kiến trong tháng 4, thúc đẩy cơ hội Cục Dự trữ Liên bang cắt giảm lãi suất.
Vàng tăng hơn 1% lên 2.386,63 USD/ounce vào lúc 18h16 GMT. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ giao tháng 6 tăng 1,5% lên 2394,90 USD/ounce.
CPI của Mỹ đã tăng 0,3% trong tháng 4 /2024 sau khi tăng 0,4% trong tháng 3 và tháng 2, cho thấy lạm phát tiếp tục xu hướng giảm vào đầu quý II, có thể thúc đẩy kỳ vọng Fed cắt giảm lãi suất vào tháng 9.
Đồng USD giảm 0,6% so với rổ các đồng tiền chủ chốt khác xuống mức thấp nhất trong hơn một tháng, khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn đối với những người nắm giữ tiền tệ khác. Lợi suất trái phiếu kho bạc chạm mức thấp nhất trong hơn một tháng.
Giá bạc giao ngay tăng 3,6% lên 29,61 USD/ounce, palladium tăng 3% lên 1.007,19 USD và platinum tăng hơn 3% lên 1.062,20 USD, đạt mức cao nhất gần một năm.
Quặng sắt tiếp tục trượt dốc do nhu cầu giảm, mức thuế mới của Mỹ
Giá quặng sắt kéo dài đà giảm sang phiên thứ hai liên tiếp, do kỳ vọng nhu cầu giảm theo mùa tại Trung Quốc và việc Mỹ tăng thuế đối với một số sản phẩm của Trung Quốc.
Hợp đồng quặng sắt giao tháng 9 tại Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên (DCE) của Trung Quốc chốt phiên giảm 1,55% xuống 858 nhân dân tệ (118,78 USD)/tấn.
Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 6/2024 trên Sàn giao dịch Singapore thấp hơn 1,13% xuống 113,85 USD/tấn, vào lúc 08h09 GMT, mức thấp nhất kể từ ngày 24/4.
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm thứ Ba đã công bố mức tăng thuế mạnh đối với một loạt hàng nhập khẩu của Trung Quốc, với mức thuế đối với một số sản phẩm thép và nhôm nhất định tăng hơn gấp ba lần lên 25% vào năm 2024.
Giá than than luyện cốc và than cốc giảm lần lượt 1,25% và 1,26% tại sở giao dịch Đại Liên.
Trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải, giá thép thanh vằn giảm 0,77%, thép cuộn cán nóng giảm 0,4%, thanh thép giảm 0,67% và thép không gỉ giảm 0,88%.
Đồng cao nhất 2 năm do triển vọng nhu cầu tăng
Giá đồng tại London chạm mức cao nhất trong hơn hai năm, do USD yếu hơn và triển vọng nhu cầu tăng, trong khi giá tại Comex đạt mức cao kỷ lục, giữ mức chênh lệch giá lớn bất thường giữa hai thị trường.
Đồng giao sau 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) tăng 0,9% lên 10.206 USD/tấn vào lúc 15h51 GMT sau khi chạm 10.401,25 USD, cao nhất kể từ tháng 4/2022. Từ đầu năm tới nay, giá đồng đã tăng 19%.
Trong khi đó, giá đồng Comex tháng 5 đạt mức cao kỷ lục 5,18 USD/pound và chốt phiên giảm 0,5% xuống 4,925 USD.
Tại LME, giá nhôm tăng 1,9% lên 2.597,50 USD/tấn, kẽm giảm 1,0% xuống 2.973,50 USD, chì tăng 0,8% lên 2.274,50 USD và thiếc tăng 0,1% lên 33.300 USD. Niken tăng 2% lên 19.445 USD. Tình trạng bất ổn ở đảo New Caledonia ở Thái Bình Dương, một trong mười nhà sản xuất niken hàng đầu, đã làm tăng thêm tình trạng ngừng khai thác mỏ trong ngành công nghiệp đang gặp khó khăn của nước này.
Đậu tương, lúa mì, ngô trượt dốc
Giá đậu tương kỳ hạn tại Chicago giảm sau khi Hiệp hội các nhà chế biến hạt có dầu quốc gia (NOPA) báo cáo rằng sản lượng nghiền của Mỹ đã giảm trong tháng Tư xuống mức thấp nhất trong 7 tháng.
Giá ngô và lúa mì kỳ hạn cũng sụt giảm do thời tiết cây trồng được cải thiện và tiềm năng sản xuất cao. Giá đậu tương tại CBOT giảm 1 cent xuống 12,13-1/2 USD/bushel.
NOPA cho biết, lượng đậu tương Mỹ tháng 4 giảm xuống còn 166,034 triệu bushel, giảm 15,5% so với mức kỷ lục 196,406 triệu bushel trong tháng 3 và giảm 4,2% so với 173,232 triệu bushel trong tháng 4/2023.
Dự báo thời tiết khô hơn ở Trung Tây Hoa Kỳ thuận lợi cho việc trồng trọt đã đè nặng lên giá ngô, Mike Zuzolo, chủ tịch của Global Commodity Analytics &; Consulting, cho biết.
Giá ngô giảm 5 cent xuống 4,62-1/2 USD/bushel, trong khi lúa mì giảm 6-3/4 cent xuống 6,65-3/4 USD/bushel.
Tại Nga, công ty tư vấn Sovecon đã cắt giảm dự báo vụ lúa mì năm 2024 của nước này xuống 85,7 triệu tấn từ 89,6 triệu tấn.
Giá đường thô giảm khi sản lượng Trung-Nam Brazil tăng
Giá đường thô kỳ hạn trên sàn ICE đóng cửa giảm do tốc độ sản xuất mạnh mẽ ở Trung Nam Brazil. Giá đường thô kỳ hạn tháng 7 giảm 0,22 cent, tương đương 1,2%, xuống 18,65 cent/lb, trượt trở lại xuống mức thấp nhất 18 tháng của phiên trước đó là 18,31 cent. Đường trắng kỳ hạn tháng 8/2024 giảm 1,9% xuống 542,30 USD/tấn.
Tập đoàn công nghiệp đường UNICA báo cáo hôm thứ Tư rằng sản lượng đường ở khu vực Trung Nam đạt tổng cộng 1,84 triệu tấn trong nửa cuối tháng 4, tăng 84,25% so với cùng kỳ năm trước.
Cà phê giảm, ca cao tăng
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 7 giảm 1,45 cent, tương đương 0,7%, xuống 1,994 USD/lb. Cà phê robusta kỳ hạn tháng 7 giảm 0,9% xuống 3.402 USD/tấn.
Nguyên nhân chính gây giảm giá là do xuất khẩu tăng mạnh từ Brazil, thời tiết thuận lợi tại Việt Nam và Brazil, nông dân Việt Nam hạn chế bán ra do giá giảm mới đây.
Giá ca cao kỳ hạn tháng 7 tại New York tăng 521 USD, tương đương 7,1%, lên 7.843 USD/tấn. Giá ca cao London kỳ hạn tháng 7/2024 tăng 6,6% lên 6.554 pound/tấn.
Cao su Nhật Bản cao nhất 1 tháng do lo ngại về nguồn cung
Giá cao su kỳ hạn của Nhật Bản tăng phiên thứ ba liên tiếp, đóng cửa ở mức cao nhất trong hơn một tháng, do lo ngại về nguồn cung và hy vọng cải thiện nhu cầu của Trung Quốc đã hỗ trợ giá.
Hợp đồng cao su giao tháng 10/2024 tăng 1,24%, lên 317,2 yên (2,03 USD)/kg, đóng cửa cao nhất kể từ ngày 11/4/2024. Hợp đồng cao su trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải (SHFE) giao tháng 9 giảm 35 nhân dân tệ, tương đương 0,24%, xuống 14.430 nhân dân tệ (1.997,62 USD)/tấn.
Nguồn cung cao su tự nhiên toàn cầu sẽ tăng từ nay trở đi do nông dân ở các nước sản xuất lớn dự kiến sẽ khởi động lại khai thác, nhưng điều kiện thời tiết ấm áp bất thường và mùa hè kéo dài có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn cung, Jom Jacob, nhà phân tích trưởng tại công ty phân tích WhatNext Rubber Media International có trụ sở tại Ấn Độ cho biết.
Hợp đồng cao su giao tháng 6/2024 trên Sàn giao dịch Singapore chốt phiên ở mức 166 US cent/kg, tăng 0,7%.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 16/5/2024