Tác động tích cực từ động thái hạ mạnh lãi suất của Fed tiếp tục đẩy giá dầu, vàng và kim loại cơ bản tăng mạnh trong phiên thứ Năm (19/9).
Dầu tăng hơn 1%
Giá dầu tăng hơn 1% vào thứ Năm khi lãi suất của Mỹ giảm mạnh và dự trữ toàn cầu giảm.
Giá dầu Brent tương kết thúc phiên ở mức 74,88 USD/thùng, tăng 1,23 USD, hay 1,7%. Dầu thô WTI của Mỹ tăng 1,04 USD, hay 1,5%, lên 71,95 USD một thùng.
Ngân hàng trung ương Mỹ đã cắt giảm lãi suất một nửa điểm phần trăm vào thứ Tư. Việc cắt giảm lãi suất thường thúc đẩy hoạt động kinh tế và nhu cầu năng lượng, nhưng một số người cũng coi mức cắt giảm lớn này là dấu hiệu của thị trường lao động yếu kém ở Mỹ.
Ngân hàng Anh vào thứ Năm đã giữ nguyên lãi suất ở mức 5,0%.
Các nhà phân tích của UBS cho biết trong một lưu ý gửi đến khách hàng rằng dự trữ dầu thô toàn cầu đang giảm sẽ hỗ trợ giá dầu trong tương lai, đẩy giá dầu Brent trở lại trên 80 USD trong những tháng tới.
Vàng tăng hơn 1%
Giá vàng tăng hơn 1% vào thứ Năm khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ khởi động chu kỳ nới lỏng tiền tệ với động thái giảm nửa phần trăm, thúc đẩy vàng thỏi lên mức cao nhất mọi thời đại.
Vàng giao ngay kết thúc phiên tăng 1,2% lên 2.590,47 USD/ounce, vàng kỳ hạn tháng 12 tăng 0,6% lên 2.614,60 USD.
Các nhà hoạch định chính sách của Fed dự báo lãi suất chuẩn sẽ giảm thêm một nửa điểm phần trăm vào cuối năm nay, một điểm phần trăm đầy vào năm tới và nửa điểm phần trăm vào năm 2026.
Quặng sắt tăng
Giá quặng sắt kỳ hạn tương lai tăng vào thứ năm, khi triển vọng về gói kích thích tiền tệ mới của Trung Quốc và lượng hàng tồn kho giảm đã làm lu mờ mối lo ngại về nhu cầu trong nước suy yếu tại thị trường tiêu thụ hàng đầu thế giới.
Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 1 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên (DCE) của Trung Quốc kết thúc phiên tăng 1,69% lên 693,0 nhân dân tệ (98,10 USD)/tấn.
Quặng sắt kỳ hạn tháng 10 trên Sàn giao dịch Singapore tăng 2,46% lên 92,95 USD/tấn.
Các nhà phân tích cho biết các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc có thể sẽ tăng cường các biện pháp để ít nhất là giúp nền kinh tế đạt được mục tiêu tăng trưởng trong năm 2024, với trọng tâm là thúc đẩy nhu cầu để chống lại áp lực giảm phát dai dẳng.
Mysteel cho biết thêm, lượng tồn kho thép liên tục giảm có thể sẽ hỗ trợ giá các sản phẩm thép, đặc biệt là thép thanh và thép dây.
Tính đến ngày 13 tháng 9, dữ liệu của Steelhome cho thấy, trên khắp các cảng của Trung Quốc, tổng lượng quặng sắt dự trữ đã giảm 0,73% so với tuần trước.
Đồng cao nhất 2 tháng, nhôm cao nhất 3 tháng
Giá đồng đạt mức cao nhất trong hai tháng và nhôm đạt mức cao nhất trong ba tháng vào thứ Năm sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cắt giảm lãi suất làm suy yếu đồng USD và hỗ trợ cho các kim loại phụ thuộc vào tăng trưởng.
Đồng kỳ hạn ba tháng trên Sàn giao dịch kim loại London tăng 1,3% lên 9.518,50 USD/tấn.
Đồng tiền Mỹ đã giảm, khiến kim loại có giá bằng USD trở nên hấp dẫn hơn đối với người mua sử dụng các loại tiền tệ khác.
Giá nhôm trên sàn LME cũng tăng 0,2% lên 2.540 USD/tấn sau khi đạt 2.569 USD, mức giá cao nhất kể từ ngày 13 tháng 6.
Gạo tăng
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng do lo ngại về nguồn cung bởi lũ lụt ở một số khu vực, trong khi khách hàng hoãn mua từ nước xuất khẩu hàng đầu Ấn Độ, dự đoán các hạn chế đối với xuất khẩu gạo non-basmati sẽ được nới lỏng.
Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được báo giá ở mức 528-534 USD/tấn trong tuần này, không đổi so với tuần trước, khi giá ở mức thấp nhất kể từ giữa tháng 1.
Gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 575-580 USD/tấn vào thứ năm, cao nhất kể từ cuối tháng 8 và tăng so với mức 567 USD một tuần trước.
Tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm được báo trong khoảng 562-565 USD/tấn, tăng nhẹ so với mức 550-565 USD của tuần trước do đồng baht mạnh lên.
Cao su giảm
Giá cao su Nhật Bản kỳ hạn tương lai giảm nhẹ vào thứ năm, với hợp đồng cao su giao tháng 2 của Sàn giao dịch Osaka (OSE) cửa giảm 1,5 yên hoặc 0,4% xuống 373,4 yên (2,62 USD)/kg.
Hợp đồng cao su tháng 1 trên Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải (SHFE) kết thúc tăng 330 nhân dân tệ, tương đương 1,87%, lên 18.020 nhân dân tệ (2.551,00 USD)/tấn.
Thị trường cao su thiên nhiên dự kiến sẽ tiếp tục biến động và tăng trong ngắn hạn do lo ngại ngày càng tăng về tình hình nguồn cung xấu đi ở các nước xuất khẩu chính tại Đông Nam Á.
Cà phê tiếp tục giảm
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 12 giảm 2,75 US cent, hay 1,0%, xuống còn 2,6165 USD/lb.
Sản lượng cà phê ở Brazil năm 2024 dự kiến sẽ thấp hơn dự báo ban đầu vào do điều kiện thời tiết bất lợi ảnh hưởng đến các giai đoạn phát triển chính của cây trồng, cơ quan cung cấp lương thực quốc gia Conab cho biết.
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 11 giảm 1,6% xuống còn 5.248 USD/tấn.
Lúa mì và ngô giảm nhẹ
Giá ngô và lúa mì kỳ hạn tương lai tại sàn Chicago đã giảm vào thứ năm sau khi Bộ Nông nghiệp Mỹ công bố dữ liệu doanh số xuất khẩu không mấy ấn tượng. Giá đậu tương cũng giảm theo mặc dù có nhiều con số khả quan hơn.
Hợp đồng ngô hoạt động tích cực nhất trên Sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) giảm 7 US cent xuống còn 4,05-3/4 USD/bushel, trong khi lúa mì CBOT giảm 1-1/4 US cent xuống 5,65-1/2 USD/bushel và đậu tương giảm 3/4 US cent xuống 10,13-1/4 USD/bushel.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 20/9:
Nguồn: Minh Quân – https://cafef.vn/thi-truong-ngay-20-9-gia-dong-cao-nhat-2-thang-dau-va-vang-tang-manh-188240920073640809.chn