Giao dịch nhà đất trong 4 tháng đầu năm của TP.HCM tăng 13% so với cùng kỳ, sôi động nhất là ở 4 địa phương TP. Thủ Đức, quận Bình Tân, quận 12 và huyện Củ Chi.
Đầu tháng 5/2024, Cục Thống kê TP.HCM công bố báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm cho biết, thị trường bất động sản thành phố có tín hiệu khởi sắc khi doanh thu hoạt động kinh doanh bất động sản ước đạt 80.845 tỷ đồng, tăng 9,8% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, thu thuế từ nhà, đất tăng 37,1% so với cùng kỳ.
Thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM thể hiện, cơ quan này đã xử lý hơn 120.000 hồ sơ giao dịch nhà đất trong 4 tháng đầu năm, tăng 13% so với cùng kỳ 2023. Giao dịch chủ yếu là giữa các cá nhân, tập trung lớn nhất ở 4 địa phương là TP. Thủ Đức, quận Bình Tân, quận 12 và huyện Củ Chi.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM chia sẻ tại phiên họp kinh tế – xã hội của UBND TP.HCM: “Có thể do đầu tư cơ sở hạ tầng gia tăng ở các địa phương này nên kéo theo giao dịch nhà đất đi lên. Giao dịch nhà đất sôi động hơn giúp nguồn thu từ đăng ký và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Thành phố tăng trưởng. Trong 4 tháng qua, địa phương thu được hơn 2.500 tỷ đồng từ hoạt động này, tăng 859 tỷ đồng so với cùng kỳ”.
Theo quy định hiện hành, nguồn thu ngân sách từ mua bán bất động sản gồm 2% thuế thu nhập cá nhân và 0,5% phí trước bạ. Dự báo giao dịch nhà đất tại TP.HCM trong quý 2 sẽ duy trì ở mức xấp xỉ 100.000 hồ sơ, giúp nguồn thu tiếp tục đảm bảo.
Năm nay, TP.HCM dự tính thu trên 35.000 tỷ đồng từ đất đai. Cụ thể, nguồn thường xuyên là thu thuế trong mua bán chuyển nhượng nhà đất. Ba tháng đầu năm, thành phố thu trên 1.400 tỷ đồng tiền thuế nhờ cấp 1.849 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu và đăng ký biến động cho 83.131 trường hợp. Dự kiến khoản này sẽ đóng góp khoảng 1.100 tỷ đồng mỗi quý tới.
Một nguồn khác là đấu giá các lô đất được UBND Thành phố chấp thuận, dự kiến thu về 1.700 tỷ. Nguồn khác dự kiến đem về 36.000 tỷ đồng cho ngân sách thành phố là khoản từ 55 dự án được duyệt giá đất.
Bên cạnh đó, Sở Tài Nguyên và Môi trường cùng các đơn vị chuẩn bị văn bản hướng dẫn cấp sổ đỏ cho hộ gia đình đang sử dụng đất không có giấy tờ từ ngày 1/7/2014, khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực. Việc tháo gỡ nhóm vướng mắc lâu nay sẽ tạo nguồn thu từ cấp sổ đỏ của Thành phố.
Đánh giá về thị trường bất động sản phía Nam tại một tọa đàm, ông Trần Quốc Dũng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, nếu xét trên các số liệu của thị trường, có thể thấy bất động sản phía Nam đã bước ra khỏi “vùng đáy”, vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, được các chuyên gia dự đoán sẽ chính thức phục hồi theo xu hướng hình “chữ V” từ cuối quý 2/2024.
“Niềm tin là yếu tố quan trọng quyết định tới việc phục hồi của thị trường bất động sản. Đặc biệt, niềm tin này đang được nâng đỡ từ điểm tựa nền tảng vĩ mô – 3 luật “xương sống” đã được thông qua là Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh Bất động sản 2023 và Luật Đất đai 2024. Đây sẽ là vấn đề mấu chốt để thị trường bất động sản bước vào chu kỳ hồi phục được dự báo rõ ràng từ quý 2/2024. Trong đó, căn hộ chung cư được cho là một trong những phân khúc dẫn đầu đà phục hồi của thị trường”, ông Dũng cho biết.
Nguồn: Minh Minh – https://cafef.vn/tphcm-co-120000-giao-dich-nha-dat-soi-dong-nhat-o-cac-huyen-vung-ven-188240506105005813.chn