Trong báo cáo Triển vọng năng lượng thế giới năm 2023 được công bố vào tháng Mười vừa qua, IEA cho rằng nhu cầu khí tự nhiên sẽ tăng chậm lại trong giai đoạn từ năm 2022-2030 so với mức tăng trung bình 2,2% trong giai đoạn 2010-2021.
Theo tổ chức này, nhu cầu khí đốt toàn cầu sẽ đạt đỉnh trước năm 2030, ổn định trong một khoảng thời gian dài trước khi giảm dần khoảng 100 mét khối vào năm 2050.
Các chuyên gia nghiên cứu của tổ chức Bruegel ở Brussels mới đây cho biết, nhu cầu khí đốt tại châu Âu đã giảm 12% trong năm 2022 so với mức trung bình trong giai đoạn 2019-2021, do nhu cầu khí đốt của các hộ gia đình và ngành công nghiệp giảm. Năm 2023, các nguồn nhiên liệu thay thế trong sản xuất điện cũng góp phần làm giảm đáng kể nhu cầu khí đốt trong ngành điện.
Tuy nhiên, dù nhu cầu khí đốt tại châu Âu được dự đoán sẽ đi xuống, nhưng các lãnh đạo trong ngành năng lượng cho rằng nhu cầu loại nhiên liệu này tại châu Á sẽ không giảm trước năm 2030.
Tại một hội thảo về khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) mới đây tại Singapore do S&P Global tổ chức, các phái đoàn trong ngành khí đốt dự đoán nhu cầu khí tự nhiên tại châu Á sẽ tăng hơn 50% từ nay đến năm 2050.
Công ty tư vấn McKinsey & Co dự báo nhu cầu khí đốt toàn cầu sẽ tăng đến hết năm 2040. Theo công ty này, khí đốt vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn năng lượng linh hoạt, cho đến khi công nghệ lưu trữ năng lượng có thể giải quyết được tính ngắt quãng của các loại năng lượng gió và Mặt Trời.
Trung Quốc, Đông Nam Á, và Nam Á sẽ là những khu vực thúc đẩy nhu cầu khí đốt trong những thập kỷ tới, khi quá trình chuyển đổi từ than đá sang khí đốt tiếp diễn, dù với tốc độ chậm hơn.
Các nước nhập khẩu năng lượng ở Nam Á và Đông Nam Á, như Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh và Thái Lan đã hạn chế đáng kể lượng LNG nhập khẩu trong năm ngoái và đầu năm nay, do giá khí đốt giao ngay tăng mạnh trong cuộc khủng hoảng năng lượng liên quan đến căng thẳng ở Ukraine. Để thay thế nguồn cung từ Nga, châu Âu đã ồ ạt mua khí đốt, khiến giá trên thị trường LNG giao ngay tăng cao đến mức các nước nhập khẩu nói trên không thể mua được.
Nhưng tình hình đã thay đổi trong năm nay, khi giá không còn cao như năm ngoái, và nhiều người mua ở Nam Á đã bắt đầu trở lại thị trường khí đốt giao ngay.
Trong khi đó, những tháng gần đây, Trung Quốc và châu Âu đang hối hả ký kết các thỏa thuận dài hạn để có được nguồn cung LNG từ Mỹ và Qatar sau năm 2025-2026. Trung Quốc đã và đang tìm kiếm các nguồn cung dài hạn suốt nhiều năm qua, trong khi châu Âu gần đây đã ký thỏa thuận về nguồn cung khí đốt với QatarEnergy và với các công ty năng lượng Mỹ, dù trước đây khối này không muốn cam kết với những thỏa thuận như vậy vì kế hoạch giảm lượng tiêu thụ khí đốt.
Như vậy, dù nhu cầu khí đốt của châu Âu không tăng trở lại các mức trước cuộc khủng hoảng năng lượng, thì châu Á vẫn sẽ thúc đẩy nhu cầu khí tự nhiên và khí tự nhiên hóa lỏng trong thập kỷ này và các thập kỷ tới.