Nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết quý I/2025
“Doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết năm 2024. Dự báo, tình hình đơn hàng vẫn sẽ tiếp tục khả quan”, ông Phạm Văn Việt – Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean (VitaJean) – chia sẻ và cho hay, hiện thị trường xuất khẩu ngành dệt may đang rất tốt, thậm chí có những doanh nghiệp đã có đơn hàng đến 2025.
Đơn hàng xuất khẩu ngành dệt may đang rất tốt. Ảnh: TTXVN |
Riêng với VitaJean, dự kiến, đơn hàng năm nay tăng khoảng từ 20 – 30% so với năm ngoái. Theo ông Phạm Văn Việt, căng thẳng chính trị thế giới khiến nhà mua hàng đổ về Việt Nam. Tuy đơn hàng nhiều hơn song đơn hàng số lượng lớn lại giảm mạnh.
“Trước đây, doanh nghiệp nhận đơn hàng lên tới 50.000 sản phẩm/mã, giờ chỉ còn 3.000 – 5.000 sản phẩm/mã. Đơn hàng nhỏ, chi phí tăng trong khi giá không đổi khiến lợi nhuận giảm”, ông Phạm Văn Việt chia sẻ.
Trong lĩnh vực ngành gỗ, theo Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến ngày 15/8, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam lũy kế từ đầu năm 2024 đến ngày 15/8 đạt 9,5 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, sản phẩm gỗ đạt 6,5 tỷ USD, chiếm 68% tỷ trọng và tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Với kết quả này, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đã hoàn thành 67% kế hoạch Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề ra. Đáng chú ý, các thị trường xuất khẩu lớn nhất đều ghi nhận tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm trước.
Nhiều doanh nghiệp cho hay, đơn hàng năm nay tăng trưởng từ 20-50% so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Phạm Ánh Dương – Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Sản xuất MDF Hải Dương (Vinamdf) – cho hay, tăng trưởng đơn hàng của doanh nghiệp năm nay tăng khoảng 50% so với năm ngoái. Hiện tại, doanh nghiệp đã có đơn hàng đến tháng 3/2025.
Còn với Công ty TNHH Kẻ Gỗ, đơn hàng 7 tháng đầu năm 2024 của doanh nghiệp tăng trưởng khoảng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Trịnh Xuân Dương – Giám đốc Công ty TNHH Kẻ Gỗ – cho hay, 2 năm sau Covid-19, thị trường xuất khẩu rất khó khăn. Tuy nhiên, việc quản lý tỷ giá VND/USD của Việt Nam rất tốt, thị trường nhận định sẽ ổn định và phát triển. Xu thế thị trường yếu, rủi ro lớn nhất là từ chiến tranh, cước biển tăng đột biến từ tháng 5 đến nay sẽ ảnh hưởng đến giá thành và các đơn hàng sẽ bị chậm lại, người tiêu dùng vẫn phải sử dụng sản phẩm. Do đó, dự báo tình hình đơn hàng xuất khẩu sẽ tiếp tục sáng.
“Những kỳ vọng về việc số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng trong thời gian tới đã củng cố niềm tin lạc quan kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam”, ông Andrew Harker – Giám đốc Kinh tế S&P Global Market – cho biết.
Còn theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – chuyên gia kinh tế, điểm tích cực là cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Kỳ vọng về đích
Có thể thấy, các doanh nghiệp đã và vượt qua giai đoạn khó khăn của những tháng đầu năm 2024 và đang có sự lạc quan với kinh doanh trong thời gian tới. Các chuyên gia nhận định, niềm tin về triển vọng kinh doanh tươi sáng hơn đang quay trở lại khi doanh nghiệp Việt đang nhận được nhiều đơn hàng hơn, tăng tốc mở rộng kinh doanh và tập trung vào đầu tư xây dựng.
Nhận định về thị trường xuất khẩu gỗ, ông Nguyễn Liêm – Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) – đánh giá, tồn kho đang giảm, nhu cầu sản phẩm gỗ trên toàn cầu không giảm. Sau thời gian có những biến động về chính trị, thị trường, lãi suất… nhưng vấn đề này đang có những tín hiệu tốt lên. Xuất khẩu gỗ và lâm sản tăng trưởng bao nhiêu phụ thuộc nhiều vào cuộc bầu cử tổng thống tại Mỹ và những diễn biến của cuộc chiến tranh thương mại Nga – Ukraine, ở Trung Đông. Hy vọng, xuất khẩu năm nay, xuất khẩu gỗ và lâm sản tăng trưởng 15 – 17% mang về con số từ 15,5 – 16 tỷ USD trong năm nay.
Năm 2024, Bộ Công Thương đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu ở mức 6%, tương ứng kim ngạch xuất khẩu đạt 377 tỷ USD. Tính từ đầu năm đến hết 15/8, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 244,41 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023. Với những nỗ lực của doanh nghiệp và sự hỗ trợ của Nhà nước, các giải pháp đẩy mạnh xuất nhập khẩu của Bộ Công Thương, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, có khả năng đạt và thậm chí vượt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6% trong năm 2024.
Tuy nhiên, để đi xa hơn, các doanh nghiệp cũng đề xuất nhà nước có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đổi mới công nghệ, máy móc, thiết bị. “Về vốn lưu động, doanh nghiệp không quá lo ngại nhưng quan trọng đó là vốn để đầu tư công nghệ. Công nghệ chỉ cần tụt hậu 2 năm là không thể theo kịp thế giới. Hiện nay, công nghệ đã len lỏi vào khắp các khâu bán hàng, sản xuất, thiết kế, những yếu tố này sẽ giúp nâng cao giá trị gia tăng. Nếu biết ứng dụng công nghệ, ở Việt Nam, có thể bán hàng online sang thị trường EU“, ông Việt chia sẻ.
Nguồn: Nguyễn Hạnh – https://congthuong.vn/xuat-khau-hang-hoa-doanh-nghiep-khong-lo-thieu-don-hang-342396.html